Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Du lịch tín ngưỡng và tâm linh ở ĐBSCL: Một góc nhìn

Trên thế giới, du lịch (DL) tín ngưỡng và tâm linh (TN-TL) là ngành kinh tế phát triển, nhưng ở nước ta thì hãy còn mới mẻ. Trên vùng ĐBSCL, miếu Bà chúa xứ núi Sam là một “case study” (tình huống) thú vị trong việc khai thác đức tin, tín ngưỡng dân gian, tạo nguồn thu quan trọng cho địa phương.
UBND tỉnh An Giang cho biết: Trong 8 tháng đầu năm, đã đón tiếp 4,74 triệu lượt du khách (DK). Hàng năm, ước khoảng 2,5 triệu lượt DK đến miếu Bà chúa xứ trong tổng số 5,2 triệu lượt DK đến tỉnh biên giới Tây Nam này.
Nhìn ra thế giới
Thông qua loại hình DL TN-TL, DK không chỉ thỏa mãn nhu cầu nhìn ngắm, thưởng thức sự khác biệt về cảnh vật, văn hóa, ẩm thực..., mà còn thỏa mãn đức tin về sự may mắn trong cuộc sống. Với hơn một tỉ tín đồ Phật giáo trên toàn thế giới, Ấn Độ trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của DL TN-TL. Thánh địa Mecca của Ả Rập Saudi với số dân chỉ hơn 1,7 triệu, hàng năm đón hơn 13 triệu DK và tín đồ Hồi giáo hành hương về đây. Italia là nước có nhiều điểm DL TN-TL, chỉ riêng quảng trường Nhà thờ Thánh St. Peter bên cạnh Vatican, nơi Giáo hoàng thường giảng đạo và ban phước lành, đã thu hút hàng triệu triệu người trong tổng số DK còn nhiều hơn dân số nước này.
Ở những thành phố DL nổi tiếng, người ta chủ động tạo ra đức tin để khai thác DL. Khi đến Cologne, một trong 4 thành phố lớn nhất nước Đức, DK thường đặt tay lên mũi tượng “Ông May Mắn” ở góc đường nằm cạnh nhà thờ lớn Der Dom hơn 2.000 năm tuổi và dòng sông Rhein huyền thoại, với niềm tin sẽ được trở lại thành phố tươi đẹp này ít nhất một lần. Đến đảo JeJu (Hàn Quốc) đặt tay lên tượng thần đảo, DK tin mình sẽ được may mắn và sinh được con... 
Du lịch TN-TL luôn gắn với đức tin và hướng thiện. Nó khai thác yếu tố tôn giáo hoặc lịch sử dân tộc, tín ngưỡng dân gian. Nếu loại bỏ yếu tố mê tín dị đoan, loại bỏ những kẻ “buôn thần, bán thánh” thì đây là ngành hoạt động hướng con người đến điều tốt lành.
Miếu Bà chúa xứ núi Sam. Ảnh:H.H
Miếu Bà chúa xứ núi Sam. Ảnh:H.H
Nghĩ về xứ mình
Ở VN, một số nơi đã bắt đầu chú ý đầu tư và khai thác DL TN-TL như: Khu DL “Đại Nam Lạc Cảnh” ở Bình Dương, Khu DL chùa Tràng An - Bái Đính ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình... Trên vùng ĐBSCL, miếu Bà chúa xứ núi Sam (An Giang), khu Phật bà Nam hải (Bạc Liêu) là những thí dụ sinh động. Tuy nhiên trên bản đồ DL, trên các kênh quảng bá, xúc tiến, vẫn chưa thấy chính thức nói đến chúng như điểm đến DL TN-TL.
Điều đáng mừng là tỉnh An Giang đã chọn được các điểm nhấn để tập trung khai thác lợi thế DL. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư du lịch quốc tế “Bốn quốc gia – một điểm đến”, ông Huỳnh Thế Năng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang – cho biết: “Ngành DL của tỉnh đã, đang và sẽ tiếp tục đầu tư khai thác 4 điểm DL nổi tiếng là DL TN-TL với miếu Bà chúa xứ và quần thể di tích lịch sử núi Sam; DL sinh thái rừng tràm Trà Sư và Khu DL núi Ông Cấm; DL khảo cổ với di chỉ văn hóa Óc Eo đang đề nghị Liên Hiệp Quốc công nhận là di sản văn hóa; và tôn vinh hình ảnh quê hương Bác Tôn. Điều quan trọng là quan tâm đến hàm lượng chất xám trong sản phẩm DL để có sự đầu tư đúng mức, vừa thể hiện sự tôn trọng DK, vừa thoát khỏi những khuôn mẫu nhàm chán”.
Miếu Bà chúa xứ núi Sam là di tích lịch sử, kiến trúc và tâm linh nổi tiếng, được xếp hạng cấp quốc gia năm 2000. Với lịch sử hơn 200 năm, ngôi miếu miền biên giới này gắn liền với nhiều giai thoại và truyền thuyết về việc đào kinh Vĩnh Tế của vị quan triều Nguyễn rất được lòng dân là ông Thoại Ngọc Hầu và vợ là bà Châu Thị Tế. Từ năm 2001, lễ hội Vía Bà chúa xứ núi Sam được Bộ VHTTDL và Tổng cục DL VN công nhận là lễ hội cấp quốc gia. 

0 nhận xét

Đăng nhận xét