Thứ Hai, 17 tháng 10, 2011

Cơ chế quản lý đẩy y bác sĩ đến chỗ nhận phong bì

Nguyên Thứ trưởng Y tế Phạm Mạnh Hùng cho rằng chính cơ chế tự chủ của các bệnh viện hiện nay -trong đó thầy thuốc can dự trực tiếp vào thu tiền của người bệnh, thông qua viện phí - đang góp phần nuôi dưỡng nạn 'phong bì bệnh viện'.

Ảnh:
Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Hùng giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế giai đoạn 1997-2003. Ảnh:P.N.

Sau loạt bài về phong bì bệnh viện, VnExpress.net tiếp tục có buổi trao đổi với Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Mạnh Hùng, nguyên Thứ trưởng Bộ y tế giai đoạn 1997 đến 2003 để làm rõ nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng này.

- Từng giữ trọng trách lãnh đạo trong Bộ y tế, ông nghĩ như thế nào về vấn đề phong bì trong ngành y?

- Cần khẳng định là không phải tất cả người thầy thuốc đều nhận phong bì. Và không phải người thầy thuốc nào cũng thích cái phong bì ấy. Bản thân tôi, nếu có người đưa chưa chắc tôi đã nhận, nhất là lúc tôi đang tập trung nghĩ cách cứu chữa người bệnh. Có khi tôi còn cảm thấy có gì xúc phạm đến bản thân.

Nói đến vấn đề phong bì trong ngành y cần nhìn cả hai mặt, chứ không chỉ có lỗi của người thầy thuốc. Đừng chê tất cả cho người thầy thuốc. Không phải cái phong bì nào cũng là tội lỗi. Có người thấy bác sĩ nghèo quá sau khi cứu chữa con người ta xong, người ta đưa phong bì với tinh thần hết sức chân thành.

Nhưng những tấm lòng chân thành ấy khác xa với ý định dùng phong bì để đẩy người thầy thuốc vào vị trí làm thuê, làm mướn và thậm chí để sai khiến. Có người nghĩ thế này "Tôi cho tiền anh, tôi cho trước và anh phải cam đoan làm tốt cho tôi như một sự giao kèo, anh mà làm không tốt thì coi chừng!". Như thế là không nên.

- Nhiều ý kiến cho rằng người bệnh cũng chịu một phần lỗi vì đã đưa phong bì? Quan điểm của ông về ý kiến này như thế nào?

- Vai trò của người nhà bệnh nhân quan trọng lắm chứ. Chúng ta phải làm sao để cả xã hội hiểu phong bì không cần thiết. Thế nhưng nếu một người trông thấy người nhà của bệnh nhân bên cạnh đưa ít tiền cho cô y tá tiêm, để tỏ lòng biết ơn. Đến lượt mình, họ nghĩ “mình không làm như thế thì chắc cô y tá tiêm người nhà mình đau hơn”. Vì thế mà việc đưa phong bì trở thành phong trào và gần như “một bệnh xã hội”.

Hay như việc dùng phong bì để cảm ơn người thầy thuốc. Rõ ràng là có nhiều cách để động viên thầy thuốc, chẳng hạn bằng lời nói như "gia đình chúng tôi hết lòng cảm ơn chị, nom thấy hành động của chị như thế chúng tôi rất ngưỡng mộ, cảm động". Những câu nói như thế cũng khiến người thầy thuốc vui lòng, thấy tự hào. Nhưng không, có người nhiều khi chả nói gì, nhét luôn phong bì vào túi y bác sĩ.

Vấn đề nữa là cảm ơn vào lúc nào? Trước khi mổ cứ phải nhét phong bì cho bác sĩ thì mới yên tâm có được không hay sau khi mổ xong mình đến nhà cảm ơn, mình tỏ lòng chân thành.

Và cũng phải nói thật một điều là chính cơ chế quản lý đã đẩy người thầy thuốc đến chỗ nhận phong bì.

Khi vào viện, người bệnh coi người thầy thuốc như vị cứu tinh của mình. Ảnh: P.N.

- Tại sao cơ chế quản lý lại chịu trách nhiệm trong việc đẩy bác sĩ đến nhận phong bì, ông có thể nói rõ được không?

- Chẳng hạn, tự chủ trong quản lý bệnh viện là cần thiết, tự chủ để nâng cao tính năng động trong quản lý. Nhưng tổ chức để thực hiện tự chủ mà người thầy thuốc phải liên quan trực tiếp đến việc thu tiền, thậm chí để họ hiểu rằng có thu nhiều thì phúc lợi mới nhiều và lương của họ mới được tăng. Làm như thế chẳng khác nào đã đẩy người thầy thuốc vào sự tự mưu sinh, tự kiếm lương để sống. Thế thì dứt khoát người thầy thuốc phải coi bệnh nhân là đối tượng thu. Chả có cách nào khác được. Và đương nhiên là dẫn đến tiêu cực.

Trong khi đó, chúng ta lại chưa làm tốt cách thức người bệnh trả tiền thông qua bảo hiểm y tế, nhìn chung chúng ta thích cách thu tiền trực tiếp từ người bệnh (mà quen gọi là viện phí). Nên nhớ viện phí là tiền trực tiếp mà người bệnh tự trả sau khi đã được khám chữa bệnh. Nó cũng là cạm bẫy của sự đói nghèo, làm cho người nghèo ngày một nghèo hơn, làm cho tầng lớp trung lưu rơi xuống tầng lớp nghèo. Đồng thời nó cũng đẩy người thầy thuốc vào mối quan hệ trực tiếp với bệnh nhân thông qua đồng tiền.

Lẽ ra đồng tiền của bệnh nhân thông qua bảo hiểm y tế, một cơ quan khác, đứng giữa bệnh nhận và thầy thuốc, thì đằng này lại "tiền trao cháo múc". Hay bệnh viện đề ra nhiệm vụ là năm nay phải thu viện phí gấp đôi năm ngoái thì lương nhân viên y tế mới tăng được. Giám đốc giao nhiệm vụ là phải tận thu, như thế thì dứt khoát phải coi bệnh nhân là đối tượng để thu. Đó là mặt tiêu cực của tự chủ tài chính trong bệnh viện.

Ngoài ra, cứ động viên suông thì liệu có chấm dứt được bệnh phong bì không? Rõ ràng là rất khó, cần phải chăm lo đến thu nhập của người thầy thuốc sao cho họ đủ sống và đủ nuôi con cái họ.

Vấn đề đặt ra là phải tổ chức tự chủ bệnh viện thế nào? Có để người thầy thuốc phải can dự và quan tâm trực tiếp đến đồng tiền của từng bệnh nhân không? Đó cũng chính là một bài toán để giải quyết vấn đề y đức cũng như nạn phong bì. Đừng để thầy thuốc can dự trực tiếp vào thu tiền của người bệnh càng nhiều càng tốt, việc này là của người quản lý.

Lấy ví dụ khác về tổ chức quản lý, một ngày bắt bác sĩ khám khoảng 50-80 bệnh nhân thì làm sao người ta có thời gian đặt được ống nghe để mà nghe, làm sao có thời gian bắt mạch cho bệnh nhân. Bắt mạch không chỉ để chẩn đoán, mà còn một là sợi dây truyền nối sức sống từ người thầy thuốc sang người bệnh... Đằng này, bác sĩ có thời gian đâu mà bắt mạch, đặt ống nghe, chưa nói đến xu hướng lạm dụng kỹ thuật thời nay: xét nghiệm, Xquang, CT, siêu âm...

Ảnh:
"Người nhà bệnh nhân không nên đưa tiền cho bác sĩ", đó là khuyến cáo của Giám đốc Bệnh viện Việt Đức

- "Nói không với phong bì" thực chất nằm trong phong trào nâng cao y đức của nhân viên y tế, do Công đoàn ngành phát động, ông thấy gì từ việc này?

- Tôi có thể nói, hiện nay chúng ta ít quan tâm đến việc giáo dục về y đức. Không phải giáo dục những cái gì to tát mà là những điều cụ thể, đơn giản như cách ứng xử, trách nhiệm với bệnh nhân...

Giả dụ, chúng ta nói là quan tâm đến người bệnh, quan tâm lúc sống đã đành, lúc người bệnh chết có cần quan tâm không? Đấy là văn hóa ứng xử, khi bệnh nhân chết, giá như người bác sĩ chỉ cần một động tác đơn giản thôi, mặc lại cái áo cho bệnh nhân phẳng phiu, vuốt mắt, để 2 tay, 2 chân cho thẳng thắn, ngay ngắn và ngỏ một lời chia buồn với gia đình người đã quá cố. Tại sao việc đấy bây giờ người thầy thuốc ít hoặc không làm?

Đấy là chưa nói đến chuyện tác phong của người thầy thuốc, từ mặc cái áo, chải tóc, để râu, đặc biệt cấm uống rượu. Có một số bác sĩ tiếp xúc với bệnh nhân mà mặt thì đỏ gay, phả cả mùi rượu vào bệnh nhân. Nếu tôi là người bệnh, khi tiếp xúc với anh bạn đồng nghiệp này tôi cũng sẽ không tin dù ông này có giỏi đến mấy.

Có đồng nghiệp lại coi thường rèn rũa tác phong lúc trực. Khi nói đến trực là phải trong tư thế sẵn sàng, nó cũng giống như bộ đội trực chiến, đằng này lại túm năm chụm ba ngồi ăn hoa quả, thậm chí đành bài, uống bia. Nếu bạn đưa người nhà đang cần cấp cứu vào bệnh viện, mà trông thấy cảnh thầy thuốc trực làm những việc ấy, bạn có thể tin họ đã sẵn sàng cấp cứu chưa?

Ngày xưa đi học tôi nhớ mãi, vào năm học, trời rét, các thầy giáo bắt chúng tôi phải xoa tay vào nhau, xoa đến 5 phút, vừa xoa vừa hỏi bệnh nhân. Khi đó các giáo sư đã giải thích với chúng tôi rằng làm như thế để khi sờ vào bụng người bệnh, họ không bị lạnh đột ngột, không có phản ứng thành bụng, điều này dẫn đến việc chẩn đoán sai. Nhưng quan trọng hơn, khi bạn nhìn thấy một người đứng xoa hai tay vào nhau và từ tốn hỏi han, nói chuyện với người bệnh và một người khác thò hai tay vào túi, giọng thì quát lác khi hỏi người bệnh, thi bạn sẽ thích ai hơn?

- Bản thân ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của phong trào "nói không với phong bì"?

- Theo tôi, Công đoàn ngành phát động phong trào "Nói không với phong bì" là cần thiết. Các cụ nói rồi “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Văn hóa ứng xử của thầy thuốc là ấn tượng đầu tiên mang lại niềm tin tưởng cho người bệnh và đấy cũng là một biện pháp tâm lý với người bệnh. Nhưng phải có một cách nhìn tổng thể về quản lý y tế, nếu không thì tôi e việc làm đấy chỉ mang tính nhất thời, không bền vững vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Cũng phải nói là nếu quyết tâm của lãnh đạo đơn vị mà cao thì giải quyết được, đó là bài học một số bệnh viện như Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Việt Đức… mà tôi đã có dịp được chứng kiến.

Nhưng cũng cần nói thêm, nạn phong bì mới chỉ là một khía cạnh “nóng hổi” mà thôi, còn nhiều việc khác liên quan đến y đức. Khắc phục vấn nạn này trong bệnh viện không dễ nhưng nếu chúng ta có một chiến lược phát triển tổng thể (giáo dục, đào tạo, đời sống cho người thầy thuốc, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính... ) và toàn xã hội quan tâm (trong đó có cả người nhà bệnh nhân) thì tôi tin là chúng ta hoàn toàn có thể giải quyết được.

Tôi cũng muốn nói thêm để người nhà của người bệnh hiểu, ngành y tế còn khó khăn nhưng người bệnh và người nhà cũng cần giúp cho bệnh viện bằng cách bảo nhau giữ gìn trật tự, vệ sinh, có văn hóa ứng xử khi vào bệnh viện. Chớ coi vào bệnh viện cũng giống như đi chợ. Nhiều người nhà sinh hoạt ngay tại đây, không có quy củ. Chị y công vừa dọn sạch xong, họ lại xả rác ra bừa bãi thì ai cũng có lúc phải cáu... Hay như người ta xây bệnh viện với công suất chỉ để phục vụ bệnh nhân. Ví dụ một cái nhà vệ sinh phục vụ cho bao nhiêu người bệnh, nhưng một bệnh nhân vào có 2-3 người đi theo nên số người phục vụ lên đến 3-4 lần, làm sao mà chịu được.

<>Nam Phương

Giáo sư, tiến sĩ khoa học Phạm Mạnh Hùng sinh năm 1945, tại Đông Hà, Đông Hưng, Thái Bình. Ông từng đảm nhiệm một số vị trí như: Viện phó Viện Bỏng quốc gia, Hiệu phó Đại học Y Hà Nội, Chuyên gia cao cấp Ban Tuyên giáo Trung ương... Ông cũng giữ chức Thứ trưởng Bộ Y tế từ năm 1997 đến 2003. Hiện nay ông là Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương...



0 nhận xét

Đăng nhận xét