Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Mở đường sống cho người nhiễm bệnh thế kỷ

Từ sau cái chết của vợ chồng con trai vì AIDS, căn nhà cụ Nguyễn Thị Lan trở nên hiu tàn. Đứa cháu nội 10 tuổi lây bệnh từ mẹ sống lay lắt trong sự xa lánh của chòm xóm. Những tưởng đời bé sẽ chôn vùi từ đó, song nhờ một mô hình chăm sóc mới đây, em đã bắt đầu vui sống trở lại.

Trước kia, "nhiều đêm trắng ôm cháu ngủ trong lòng mà lòng tui đau như muối xát, chỉ mong sao cháu mình được chia sẻ và giúp đỡ", bà Nguyễn Thị Lan gần 70 tuổi ở Vinh (Nghệ An) tâm sự.

"Nhưng giờ đây, nhờ có mô hình chăm sóc và hỗ trợ đối với người nhiễm HIV nên cháu tui được các nhân viên dân số trực tiếp chăm sóc, tuyên truyền và đến nay cháu không còn mặc cảm nữa, những bàn tán, kì thị trước đây cũng giảm nhiều".

Cũng như bà Lan, sự kỳ thị, xa lánh của cộng đồng đã khiến anh Nguyễn Văn Nam ở huyện Đô Lương trở nên tiều tụy hơn rất nhiều sau một thời gian lây nhiễm AIDS. Ngày ngày, anh chỉ quẩn quanh trong nhà như một cái bóng, bạn bè xa lánh, người thân ái ngại,... nhiều lúc anh đã buông xuôi số phận, nghĩ đến cái chết.

Nỗi niềm của bà Lan, anh Nam cũng là tâm trạng chung của gần 6.000 trường hợp bị nhiễm HIV đang sống trong cộng đồng ở Nghệ An. Hơn một nửa trong số đó đã chuyển sang AIDS và đã suy giảm khả năng lao động,... Những người này luôn phải sống trong sự kỳ thị, mặc cảm và ái ngại của cộng đồng, nhiều bệnh nhân đã phó mặc bệnh tật của mình, không có các biện pháp tránh lây nhiễm cho người xung quanh và trở thành hiểm họa lây bệnh thế kỷ cho cộng đồng,...

Tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhễm HIV ở Nghệ An. ảnh: N.K
Tư vấn điều trị cho bệnh nhân nhễm HIV ở Nghệ An. Ảnh: Tư Hậu

Từ thực tế đó, 3 năm qua tỉnh Nghệ An thí điểm mô hình "Chăm sóc người nhiễm HIV/AIDS tại gia đình và cộng đồng" tại khu vực có nguy cơ cao là thành phố Vinh và huyện Đô Lương.

Theo đó, các chuyên trách dân số, cộng tác viên dân số ở xã, phường sẽ tuyên truyền, vận động những người có nguy cơ nhiễm HIV cao đi xét nghiệm để phát hiện bệnh sớm, gặp gỡ người thân của họ để giải thích về tầm quan trọng của sự động viên, chia sẻ và giúp đỡ người bị bệnh thế kỷ.

Họ cũng tận tụy đi đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh để tìm việc làm cho những người bị nhiễm bệnh, đồng thời tìm kiếm các nguồn hỗ trợ về lương thực, thực phẩm, thuốc men cho những người đã mất khả năng lao động; kết nối với các phòng khám ngoại trú, chương trình dự phòng lây truyền để gửi người nhiễm đến khám điều trị và xét nghiệm...

Chỉ trong một thời gian ngắn, mô hình chăm sóc mới đã nhanh chóng phát huy hiệu quả. Tại hai địa bàn này, có 791 người nhiễm HIV được chăm sóc trong đó có 10 em nhỏ dưới 15 tuổi được đến trường, hơn 500 người thân của các đối tượng được chăm sóc và tư vấn miễn phí; 257 người được điều trị ARV,...

Ngoài ra, các tổ nhân viên chăm sóc cũng đã hỗ trợ lương thực, tìm được việc làm cho những người nhiễm HIV giúp họ có thu nhập như: rửa xe, phụ hồ, nhiều bệnh nhân được hưởng chế độ chính sách xã hội, được động viên thăm hỏi, tặng quà trong những dịp lễ, tết.

Quan trọng hơn, mô hình chăm sóc tại gia đình và cộng đồng đã chứng minh là một mô hình đầy tính nhân văn và có ý nghĩa nhiều mặt đối với những người mắc bệnh và cả những người thân của họ.

Tại hội nghị tổng kết 3 năm triển khai thí điểm hội nghị, anh Nguyễn Văn Nam chia sẻ: "Trở ngại lớn nhất đối với những người như chúng tôi là sự kì thị. Chúng tôi luôn cảm thấy nặng nề khi thấy người khác xa lánh phân biệt. Hơn lúc nào hết, chúng tôi rất cần được chia sẽ, giúp đỡ. Và tôi chỉ cảm nhận được điều đó từ khi gặp được nhân viên chăm sóc, hỗ trợ của ngành dân số. Nhờ họ, tôi đã biết tuân thủ mọi qui trình điều trị. Và điều quan trọng hơn là tôi đã bớt tự ti, mặc cảm, vững tin hơn trong cuộc sống".

Một em nhỏ nhiễm HIV bày tỏ ước mơ của mình qua tranh vẽ. ảnh: Nguyên Khoa

Cũng từ ngày được các tuyên truyền viên dân số động viên, tư vấn cách chăm sóc cho đứa cháu nội, bà Nguyễn Thị Lan bắt đầu cảm nhận được niềm vui, niềm hi vọng về một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn cho cháu mình.

Từ hiệu quả thực tế của mô hình trên, hầu hết những người trong cuộc đều cho rằng cần nhân rộng mô hình này ở các địa phương khác.

* Tên bệnh nhân nhiễm HIV đã được thay đổi.

<>Hà Nguyên Khoa

0 nhận xét

Đăng nhận xét