Thứ Bảy, 15 tháng 10, 2011

Rau sắn nấu cá của người Mường

Đối với người Mường, vại rau sắn muối được coi như vại dưa của người Việt. Đó còn là món rau đặc sản để họ mang đãi khách quý.

Người Mường sống ở số vùng núi ở Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa thường đi lấy lá sắn về muối lên làm nguyên liệu một số món ăn rất ngon: rau sắn nấu cá, rau sắn hầm chân giò và rau sắn nấu thịt ba chỉ.
Chợ sáng trên vùng núi Thạch Thành – Thanh Hóa (một kiểu đi chợ tự phát với hình thức: nhà ai thừa cái gì sẽ mang đi bán cái ấy để đổi lấy những loại hàng hàng hóa khác), bà con dân tộc Mường bán nhiều rau sắn muối. Loại rau sắn muối này nặng mùi hơn mùi dưa khú nhưng khi nấu lên kèm cá hoặc thịt thì ăn lại “có lý”.
Rau sắn muối là loại rau quen thuộc của đồng bào dân tộc Mường. Mùa sắn đến thì con gái là thời kỳ cây dồn hết sức sống của mình vào những chiếc lá mỡ màng. Đó là lúc người dân đi hái những chiếc lá non, lá búp về muối rau.
Lá sắn non hái về được vò thật kỹ, rửa bằng nước suối trước rồi sau đó rửa lại bằng nước mưa. Lá đã hết nhựa, người ta để lá vào một cái vò, mỗi lượt lá là cho một lượt muối vừa phải (cũng có nơi không cho muối), rồi người ta đổ nước mưa sâm sấp với rau và đậy lại chờ rau “chín”.

Rửa rau sắn trước khi nấu.
Khi nhà có khách hoặc khi người dân muốn “cải thiện” bữa ăn hàng ngày của mình, họ mua thêm ít cá, ít thịt ba chỉ hoặc một vài cái móng giò về nấu canh cùng rau sắn muối.

Rau sắn sẽ "lấp" hết thịt, cá nên người ta gọi là rau sắn
nấu cá chứ không phải cá nấu rau sắn.
Rau sắn nấu cá có vị thật lạ, có cảm giác quyến rũ hơn cá nấu dưa ở miền xuôi. Rau được lấy ra khỏi vại, rửa lại bằng nước sạch cho đỡ mặn và đỡ mùi hăng; cá để một lớp dưới nồi, đặt lượt rau sắn dầy, mỏng tùy ý định lên trên lượt cá để nấu. Món rau sắn cá được đun trên bếp củi của đồng bào dân tộc rất đượm: mùi khói bếp, mùi gợi vị chua, mùi thơm thịt cá, … quện lại với nhau. Món này không cần cho thêm thứ rau gia vị gì ăn vẫn rất ngon.

Rau nấu với cá không cần thêm rau gia vị đi kèm.
Nhìn bát rau sắn nấu cá ban đầu người sành ăn sẽ thấy phải cau mặt vì món này nhìn không chút gì là hoa mỹ. Nhưng khi ăn thực khách sẽ bị chinh phục bởi mùi, vị ngon, lạ. Đó cũng là một đặc trưng giản dị của món ăn lạ chỉ có trên vùng núi cao này.

Nhìn bát canh rau sắn nấu cá không hề hoa mỹ và khó có thể hoa mỹ.
Nhưng thực khách có thể ăn mà không biết chán là gì.

Ai đó đã ăn rau sắn nấu cá (chứ không phải cá nấu rau sắn) sẽ giữ mãi ấn tượng. Ấn tượng đó như một người con trai miền xuôi có ấn tượng với một cô gái vùng cao tóc dài, mang vẻ đẹp không son phấn, lao động vất va cả ngày mà vẫn đẹp lạ lùng.

0 nhận xét

Đăng nhận xét