Chủ Nhật, 9 tháng 10, 2011

Rước họa từ thảo dược

Thuốc Tây điều trị bệnh luôn ở thế “tốc chiến tốc thắng” nhưng để lại khá nhiều tác dụng phụ nguy hiểm: suy tủy, suy gan, điếc…

Vì thế, thời gian gần đây, nhiều người quay về với thảo dược với mong muốn tránh xa những tác dụng không mong muốn. Nhưng, thực tế cho câu trả lời khác hẳn...
Khổ vì thuốc bổ
Một bệnh nhân (BN) 45 tuổi bị xơ vữa mạch máu nhiều nơi trong cơ thể. Anh đi điều trị ở nước ngoài, các bác sĩ đã đặt bốn nòng giá đỡ mạch máu (stent) để “chống đỡ” những mạch máu đang rệu rã. Sau điều trị, anh nghe bạn bè ca ngợi cao hổ rất tốt, bèn bỏ nhiều tiền của để “lùng” cho ra cao hổ để uống. Ngay sau khi dùng, anh thấy người hừng hực khí thế, làm việc không biết mệt, vô cùng sung mãn. Không ngờ, chỉ sau nửa tháng uống cao hổ đều đặn, anh đã đến cõi vĩnh hằng. Kết quả khám nghiệm tử thi cho biết, anh bị vỡ nhiều mạch máu một lúc. Một trường hợp khác, BN bị viêm gan C. Khi biết chắc vi rút đang dựng hàng triệu “nhà hộ sinh” trong lá gan của mình, chị đã về quê hốt thuốc trị bệnh. Uống ròng rã hai tháng, đi kiểm tra lại, kết quả vi rút tăng quân số theo cấp số nhân. Ngay lập tức, chị uống và chích thuốc điều trị viêm gan C và tuân thủ mọi chỉ định của bác sĩ.
Rất may, do thỏa các điều kiện trị viêm gan C (phái nữ, dưới 40 tuổi, không uống rượu, hút thuốc, quân số vi rút chưa đông, dùng thuốc trị viêm gan đúng và đủ), chị đã hết bệnh. Cũng có trường hợp bị nổi mụn, tự cho là mình bị nóng gan, đã uống 30 thang thuốc mát gan trong một tháng. Một tuần sau, cơ quan cho đi khám sức khỏe tổng quát, kết quả men gan của chị tăng bất thường. Bác sĩ đề nghị chị ngưng uống thuốc để xem men gan có về mức cũ hay không. Một tháng sau, xét nghiệm trở lại: kết quả men gan của chị bình thường!
Ảnh: Gettyimages


Đã có trường hợp vào BV Ung Bướu TP.HCM trị bệnh trong tình trạng vùng ngực lở loét vì đắp lá đu đủ chữa ung thư vú. Trong khi đó, lá đu đủ có chứa chất tiêu hủy đạm, đắp vào chỉ làm cho bệnh tình nặng thêm chứ không thể trị bệnh. Điều cần nói thêm là không chỉ đắp lá đu đủ, người ta còn chỉ nhau đắp lá trầu bà và nhiều loại lá không rõ tên khác.

Thời gian qua, các cơ quan quản lý dược phẩm đã phát hiện nhiều trường hợp thuốc Đông dược trộn tân dược với mục đích làm tăng công hiệu của thuốc, bất chấp tác dụng phụ. Ví dụ như thang thuốc trị cảm cúm cho thêm paracetamol, thuốc trị bệnh khớp “có mặt” thành phần kháng viêm corticoid như dexamethasone, prednisolone. Khổ một điều là thuốc Đông dược thường được dùng trong thời gian dài, có khi cả tháng, vì thế người dùng có nguy cơ cao bị tác dụng phụ rất nặng nề, chẳng hạn như: suy gan (thuốc có paracetamol); loét dạ dày, xốp xương, phù, tăng huyết áp, rậm lông (thuốc có chất corticoid)…

Để họa ngoài sân

Trường hợp nạn nhân dùng cao hổ được lương y Đinh Công Bảy - Hội Dược liệu TP.HCM giải thích như sau: “Những người có chỉ định đặt nòng giá đỡ mạch máu, tức là lòng mạch máu đã bị xơ vữa nhiều nơi. Trong khi đó, cao hổ có công dụng hoạt huyết, giảm đau nhức... Mạch máu đang yếu, bị tổn thương sau một cuộc phẫu thuật, lại uống cao hổ khiến máu cuồn cuộn chảy, chẳng khác gì lũ phá đê”. Các loại thuốc có nguồn gốc từ động vật như cao, lộc nhung, sâm… được dùng như thuốc bổ không có lợi cho BN tim mạch, tiểu đường, rối loạn chuyển hóa, vì chúng chứa nhiều đạm, nhiều cholesterol có hại, làm nặng thêm bệnh sẵn có và gây ra các biến chứng nguy hiểm khác.

BS Phạm Xuân Dũng - Phó giám đốc BV Ung Bướu TP.HCM cho biết thêm: “Với ung thư ở giai đoạn sớm, việc điều trị đúng cách (phối hợp hóa trị, xạ trị...) tại các bệnh viện ung bướu hoặc các bệnh viện có chuyên khoa ung bướu có khả năng khỏi bệnh cao. Ví dụ ung thư vú, nếu điều trị ở giai đoạn sớm, khả năng khỏi bệnh đến 80%; ung thư cổ tử cung là 90% (tỷ lệ thành công trong điều trị bệnh ung thư phụ thuộc vào giai đoạn bệnh). Các phương pháp điều trị Tây y “tấn công” trực tiếp vào khối u. Cuộc chiến chống ung thư làm tổn thương cả tế bào lành lân cận khối u và triệt tiêu cả sức lực của người bệnh. Lúc này, dưỡng sức và chiến thắng ung thư, không cho chúng tái phát là vai trò của y học cổ truyền. Sức khỏe sẽ được phục hồi bằng chế độ ăn quân bình âm - dương, tập dưỡng sinh, dùng thảo dược để tăng cường thể lực, tâm bình khí hòa”.

Đã là thuốc thì Đông hay Tây đều là con dao hai lưỡi. Dùng đúng hết bệnh, dùng sai mang bệnh. Tuyệt đối không nên tự điều trị theo kiểu truyền miệng, nghe đồn, vì sự trả giá đôi khi rất đắt. Khi có bệnh mà muốn dùng Đông dược, hãy tìm đến các Viện Y Dược học dân tộc, BV Y học cổ truyền v.v… để được chẩn đoán, kê toa, bốc thuốc…

0 nhận xét

Đăng nhận xét