Thứ Ba, 1 tháng 5, 2012

Đến nước Ý để yêu, ăn và cầu nguyện

Hơn 6 triệu người đã đọc tác phẩm "Ăn, cầu nguyện và yêu" của tác giả Elizabeth Gilbert, theo dõi câu chuyện của cô trong hành trình đi từ Ý, Ấn Độ đến Bali và dường như mọi người đều có cùng một câu hỏi: làm thế nào mà cô có được may mắn như vậy? Câu trả lời rõ ràng nhất đó là lên kế hoạch, điều mà bất kỳ ai cũng có thể làm. Có một điều là nếu quy định về vé máy bay của Gilbert linh hoạt hơn một chút thì cô có thể hoàn thành toàn bộ cuốn sách của mình tại Ý. Thưởng thức rượu ở Piedmont không phải là một cuộc hành hương nhưng nó có thể là một kinh nghiệm tôn giáo. Và bất kỳ ai đã từng đến Cinque Terre thì đều biết rằng bạn sẽ yêu tất cả mọi thứ ở đây ngay từ cái nhìn đầu tiên. Để có được hành trình ăn, cầu nguyện và yêu ở Ý, đây là những nơi bạn nên bắt đầu:
Continue Reading »

Cặp vợ chồng vua chúa dị hợm nhất Trung Quốc

“Trai tài, gái sắc” – đôi lứa xứng đôi Trong lịch sử Trung Hoa, các đời vua chúa nếu không ghi dấu bởi đấng quân vương văn võ song toàn, oai phong lẫm liệt thì cũng là những bậc thê tử có nhan sắc thuộc hàng chim sa cá lặn, có thể khiến cho giang sơn nghiêng ngả, đất nước tiêu vong. Thế nhưng, nhà Tây Tấn do dòng họ Tư Mã thành lập và cai trị vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên lại xuất hiện một trường hợp độc nhất vô nhị trong lịch sử: một cặp “trai tài, gái sắc” thuộc hàng của hiếm. Một hoàng đế vừa ngu đần, ngớ ngẩn, một hoàng hậu vừa xấu xí ma chê quỷ hờn lại vừa dâm loạn, độc ác. “Cặp đôi trời sinh” ấy chính là Tấn Huệ Đế, hay còn gọi là Tư Mã Trung hoàng đế và Giả Nam Phong hoàng hậu. Nói về Tư Mã Trung hoàng đế và cái sự ngờ nghệch, ngu đần của vị quân vương đời thứ hai của nhà Tây Tấn này thì phải gọi là thiên hạ vô đối. Tấn Huệ Đế là con trai của Tấn Vũ Đế Tư Mã Viêm và bà vợ cả là hoàng hậu Dương Diễm. Hoàng hậu Dương Diễm sinh được 3 người con trai, tuy nhiên do người con cả mất sớm khi còn nhỏ nên Tư Mã Trung trở thành con lớn nhất của Tấn Vũ Đế. Tư Mã Trung ra đời trong thời Tam Quốc, khi ông nội là Tư Mã Chiêu đang nắm thực quyền điều hành nước Tào Ngụy. Khi Tư Mã Viêm lấy ngôi của Tào Ngụy, lập ra nhà Tấn (năm 265), Tư Mã Trung lúc này lên 7 tuổi. Năm 267, Tư Mã Trung được vua cha lập làm thái tử, khi mới vừa lên 9 tuổi. Tư Mã Trung được kì vọng là người kế tục sự nghiệp xây dựng nhà Tấn của hoàng đế Tư Mã Viêm. Những kẻ nịnh thần khi cận kề bên cạnh hoàng đế đã không ngớt lời ton hót, khen ngợi tướng mạo của vị thái tử con này. Thậm chí, có kẻ còn phóng đại lên rằng, ngày thái tử Tư Mã Trung chào đời, trên bầu trời xuất hiện một vì tinh tú to và sáng lấp lánh, như báo hiệu sự xuất hiện của một đấng minh quân trong tương lai. Trớ trêu thay, tất cả những lời đó giống như một trò hề khi mà trái ngược hoàn toàn với mong đợi của vua và hoàng hậu, thái tử yêu quý ngay từ bé đã có những biểu hiện bất thường. Ngay từ lúc còn nằm trong nôi, thái tử đã không phải là một đứa trẻ nhanh nhạy. Đến khi lớn lên, biết chạy nhảy và biết nói thì thái tử tỏ ra vô cùng chậm tiếp thu và thường cười nói ngây ngô trước tất cả mọi sự việc diễn ra trước mắt. Hoàng đế Tư Mã Viêm và hoàng hậu đành lòng chấp nhận một sự thật rằng Tư Mã Trung có trí tuệ kém phát triển, không có năng lực như người bình thường. Thái tử ngây ngốc thường khiến cho đám thị thần xung quanh phải há hốc mồm, bụm miệng vì không nhịn nổi cười. Trong “Tư trị thông giám” còn kể rõ câu chuyện chứng minh trí tuệ “ngắn ngủn” của Tư Mã Trung. Một hôm, trong lúc đang tháp tùng thái tử dạo chơi trong Hoa Lâm viên của hoàng cung, đám thị thần bỗng giật mình khi thấy thái tử đang chạy nhảy tung tăng đuổi hoa bắt bướm bỗng dừng lại, ra vẻ nghiêm trọng. Tư Mã Trung nghe ngóng tiếng ếch kêu một hồi lâu, rồi quay sang hỏi thị thần một cách ngây ngô: “Này, thế ếch nó kêu là vì việc công hay việc tư đấy?”. Đám thị thần nghe vậy há hốc miệng, cười sặc sụa nhưng nhanh chóng che miệng kẻo phạm tội bất kính với thái tử. Từ hôm đó trở đi, mỗi lần đi dạo trong Hoa Lâm viên là thái tử lại băn khoăn, lẩm nhẩm trong miệng câu hỏi “Không biết ếch nó kêu vì việc công hay việc tư”. Thái tử Tư Mã Trung vốn từ nhỏ đã ham ăn và món ăn khoái khẩu nhất của Tư Mã Trung là cháo thịt được nấu từ gạo tinh và thịt nạc. Cũng từ chuyện ăn này đã có một giai thoại chứng minh sự thiểu năng của Tư Mã Trung. Lần đó, khắp nơi trên đất nước xôn xao vì nạn đói, dân tình chết như rạ, gạo không có nửa hạt để ăn. Sự việc cũng khiến trong cung nhốn nháo. Biết được việc này, Tư Mã Trung quay sang hỏi các thị thần: “Dân chúng không có cơm ăn, sao không ăn cháo thịt?”. Sau lần này thì đám thị thần chỉ biết lắc đầu cười trước mỗi câu hỏi ngây ngô của vị hoàng đế tương lai. Trong khi đó, Giả Nam Phong - con gái của Giả Sung, vốn là công thần khai quốc nhà Tây Tấn, có công giúp cha con Tư Mã Chiêu và Tư Mã Viêm lật đổ nhà Tào Ngụy - lại là một trường hợp có nhan sắc thuộc hàng “xuất chúng”. Nhan sắc “ma chê quỷ hờn” của Giả Nam Phong hoàng hậu được sách “Tấn thư Huệ Giả hoàng hậu truyền” mô tả rằng: “Giả Nam Phong có dáng người thấp lùn, da đen, răng vẩu, lưng gù, chân to, ngũ quan không cân đối, tính tình thô lỗ, lông mày còn có vết sẹo dài xấu xí”. Tưởng như toàn bộ cái xấu mà trời đất có thể gom góp được đều tụ lại hết ở Giả Nam Phong. Bà lùn tịt, chỉ cao chừng 1m40, người cục mịch, chân vừa ngắn vừa to, lưng gù, da đen, răng vẩu, các nét trên mặt bất cân đối, mũi tẹt và hếch, đôi môi dày thâm sì, ở bên dưới khóe mắt có một vết chàm bẩm sinh màu đen, vẻ mặt trông dữ tợn và nanh ác. Năm 271, Vũ Đế tính chuyện kén con dâu. Ban đầu, Vũ Đế định chọn con gái đại thần Vệ Quán, nhưng sau đó lại nghe hoàng hậu Dương Diễm khuyên nên lấy con gái Giả Sung. Khi thái tử Trung lên 13 tuổi, Vũ Đế sai người đến hỏi con gái nhỏ của Giả Sung là Giả Ngọ lên 12. Nhưng lúc đó, Giả Ngọ quá bé, không mặc vừa áo cưới, vì vậy Vũ Đế thấy Giả Sung có con gái lớn là Giả Nam Phong đã lên 15 tuổi, bèn cho lấy thái tử. Một cuộc hoán đổi, mận thế chỗ cho đào đã diễn ra. Giả Nam Phong một bước đổi đời, từ chỗ nghĩ rằng xấu như mình khó có thể lấy chồng mà thế cục xoay 180 độ, bỗng lại trở thành thái tử phi. Ngày Tư Mã Trung và Giả Nam Phong kết duyên vợ chồng, dân chúng thập phương đều nhốn nháo và chế nhạo, phong cho cặp đôi này là một cặp “trai tài, gái sắc” đệ nhất thiên hạ. Giả Nam Phong người ngắn ngủn bơi trong bộ áo cưới hoàng cung. Khuôn mặt đã xấu nay lại thêm sự đắc ý càng khiến nó trở nên thảm hại. Trong khi đó, thái tử Tư Mã Trung nghe nói được cưới vợ thì thích thú, chạy khắp nơi sờ cái này, nghịch cái kia rồi cười hềnh hệch. Giả Nam Phong được đưa đến trước mặt Tư Mã Trung. Thái tử vén mạng che mặt lên rồi nhìn Giả Nam Phong cười ngây ngô một hồi lâu, ra chiều thích chí. Giả Nam Phong lúc đó nhận ra thái tử là một kẻ ngốc, trong lòng dấy lên một nỗi tủi hờn vô cớ, và từ đó trở đi, thường tỏ ý khinh nhờn.
Continue Reading »