Thứ Năm, 13 tháng 10, 2011

Chữa tay chân miệng bằng Đông y

Mặc dù chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nhưng bệnh tay chân miệng (TCM) có thể phòng ngừa và chữa trị tích cực bằng Đông y.

Dù không có trong bệnh danh của y học cổ truyền, tuy nhiên căn cứ vào triệu chứng và diễn biến của bệnh, có thể thấy TCM tương ứng với chứng “nhiệt miệng”, “lở miệng”.

<>Dùng bài thuốc trị nhiệt

Nhiệt miệng là bệnh phát sinh do hoả độc, nhiệt độc thấp nhiệt ở tỳ, vị, tâm, can, thận, hay gặp nhất là ở tỳ vị. Hoả độc, nhiệt độc bốc lên sinh lở loét, đau nóng rát, miệng hôi, khô miệng, lưỡi đỏ. Phương pháp chữa trị nhiệt miệng theo Đông y là thanh nhiệt giải độc, dưỡng âm, lương huyết. Các bài thuốc cổ phương như Thanh vị tán, Cầm liên xích đạo thang, Địa hoàng cốt bì thang… là những bài thuốc hiệu quả cao trong chữa trị và ngăn ngừa tái phát bệnh nhiệt miệng.

Các bài thuốc này là sự phối hợp tinh tế của các vị thuốc được sao tẩm khắt khe như hoàng liên, sinh địa, bạch mao căn, đương quy, đan bì… có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng âm, chữa viêm loét miệng, lưỡi, nhiệt miệng, viêm lợi, chảy máu chân răng, hôi miệng phòng bệnh tái phát.

Giữ vệ sinh là cách để phòng tay chân miệng. Ảnh: Trung Kiên.


Hiện nay, y học hiện đại đã phân tích được thành phần kháng sinh thực vật chứa trong hoàng liên. Các vị thuốc đương quy, sinh địa cung cấp các vitamin khoáng chất thường bị thiếu trong bệnh nhiệt miệng, giúp cho sự tái tạo niêm mạc miệng nhanh chóng. Các kết quả này đã minh chứng hiệu quả của các bài thuốc đông y trong phòng chữa bệnh nhiệt miệng.

<>Cách dinh dưỡng cho trẻ

Trẻ bị bệnh TCM thường rất biếng ăn, thậm chí có thể bỏ ăn do các vết loét trong niêm mạc miệng gây đau. Vì vậy, thức ăn cho trẻ cần chọn lựa sao cho mềm, mịn, mát lạnh nhằm tạo cảm giác dễ chịu khi thức ăn, thức uống đi ngang qua vết loét. Như vậy, những thực phẩm có thể dùng cho trẻ là: bột dinh dưỡng, sữa, sữa chua, tàu hủ đường. Không nên cho bé uống các loại nước ép và soda bởi vì hàm lượng axit cao, sẽ gây ra đau rát ở vết loét. Tránh thức ăn mặn hoặc cay.

Nếu trẻ ăn kém, nên cho trẻ ăn nhiều lần hơn lúc bình thường để tránh tình trạng hạ đường huyết có thể xảy ra. Cần chú ý muỗng (thìa) dùng để đút cho trẻ nên tránh những loại có cạnh sắc bén, để không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm bé đau dẫn đến sợ hãi, không ăn. Khi trẻ giảm bệnh (thường là sau 4 – 5 ngày) nên cho bé ăn trở lại bình thường, không kiêng khem.

Để phòng ngừa mắc TCM, nên rửa tay trước khi ăn, sau khi đi tiêu, sau khi mặc, thay tã, hoặc sau khi tiếp xúc với những vết loét, phân, nước tiểu, nước bọt của trẻ bệnh. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà bằng dung dịch sát khuẩn. Cách ly trẻ bệnh để tránh tình trạng bệnh lây lan nhanh trong cộng đồng.

Lương y Quốc Trung

0 nhận xét

Đăng nhận xét