Thứ Ba, 11 tháng 10, 2011

Ngại công bố dịch tay chân miệng


Mặc dù Viện Pasteur Nha Trang khuyến cáo bệnh tay chân miệng (TCM) ở Quảng Ngải đã ở thể nặng, song lãnh đạo ngành y tế vẫn kiên quyết không công bố dịch.


Theo thống kê từ cơ quan y tế Đà Nẵng, đầu tháng 9 đến nay, dịch bệnh TCM đã tăng trở lại, trung bình mỗi tuần có 20 - 24 trường hợp mắc mới. Hiện Đà Nẵng đã ghi nhận gần 460 ca mắc.

<>Bùng phát!

Phần lớn người mắc bệnh là học sinh tiểu học và trẻ em dưới 5 tuổi. Theo các chuyên gia y tế, đây là điều đáng lo ngại, bởi nguy cơ lây lan dịch bệnh này trong trẻ mầm non và tiểu học bán trú dự báo là rất lớn. Mới đây, tại Trường mầm non Đại Thắng, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) có hơn một nửa số học sinh nghỉ học vì lo ngại bệnh TCM lây lan. Sau đó, dù các trẻ mắc bệnh đã được chữa khỏi nhưng các phụ huynh khác vẫn cho con nghỉ học vì sợ lây.

Bà Tống Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hương Sen (thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam), tâm sự: “Chúng tôi rất lo lắng vì sự bùng phát bệnh của TCM trong thời gian qua. Đặc biệt, nay đang vào mùa mưa, lũ nên nguy cơ mắc bệnh càng cao. Giải pháp phòng bệnh chủ yếu hiện nay là tổ chức dọn dẹp vệ sinh trường, lớp; tập huấn kiến thức cho giáo viên về việc giữ gìn vệ sinh cho trẻ”.



Dù y tế Quảng Ngãi đã cử các nhân viện y tế xuống tận thôn, xã để khám chữa bệnh cho người dân nhưng TCM vẫn bùng phát mạnh. Ảnh: Minh Như.

Lãnh đạo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Quảng Nam cho biết bệnh TCM vẫn đang lây lan trên toàn tỉnh. Đã có một bé ở xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn tử vong vì TCM.

Trong khi đó, tình hình ở Quảng Ngãi, ổ bệnh TCM ở miền Trung, vẫn đang diễn biến khá phức tạp. Ông Võ Văn Phú, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết tính đến ngày 9/10, toàn tỉnh ghi nhận 6.201 trường hợp trẻ em mắc bệnh TCM. Trong đó, có 5 trường hợp tử vong. Hiện tất cả 14/14 huyện, thành phố, 166/184 xã, thị trấn của tỉnh Quảng Ngãi đều có bệnh TCM.

<>Dừng ở 100, vẫn lo tốt!

Là địa phương có số lượng trẻ nhiễm bệnh cao nhất ở khu vực miền Trung, chiếm trên 70% tổng số ca bệnh và đứng thứ 7 cả nước về số ca tử vong, mới đây, Viện Pasteur Nha Trang đã đề nghị tỉnh Quảng Ngãi công bố dịch, tuy nhiên, lãnh đạo y tế tỉnh này vẫn khẳng định chưa cần thiết.

“Việc công bố dịch bệnh phải thực hiện đúng theo Quyết định 64 của Thủ tướng. Hiện số ca nhập viện mỗi ngày chỉ ở mức 100 ca và không xảy ra thêm trường hợp tử vong nào nên chưa đủ điều kiện để công bố dịch. Bệnh TCM vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát của tỉnh Quảng Ngãi”, ông Võ Văn Phú, Phó giám đốc Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Quảng Ngãi, lý giải.

Tuy nhiên, theo tiến sĩ Viên Quang Mai, Phó viện trưởng Viện Pasteur Nha Trang: "Hiện bệnh tay chân miệng tại Quảng Ngãi đã ở mức độ nặng với 14/14 huyện, thành phố có ca bệnh". Tiến sĩ Mai cũng cho rằng, công bố dịch bệnh TCM tuỳ phạm vi, mức độ, cấp độ xử lý ở từng địa phương. Nếu vượt tầm kiểm soát của địa phương thì lãnh đạo chính quyền phải quyết định công bố dịch. “Tuy nhiên, các địa phương lại không dám nói bệnh đã vượt tầm kiểm soát", ông Mai cho biết.

* Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai thông tin, tính đến cuối tháng 9, toàn tỉnh ghi nhận hơn 5.000 trường hợp bị TCM, 22 trường hợp đã tử vong. Theo dự báo, những tháng tiếp theo cho đến cuối năm 2011, bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp. Lãnh đạo tỉnh đang hạ quyết tâm giảm dần số ca mắc tay chân miệng và hạn chế thấp nhất số ca tử vong. Ngành y tế và các ngành liên quan đang tích cực tuyên truyền nâng cao kiến thức và thực hành của người dân về phòng chống dịch bệnh. Bảo đảm 100% các phòng học thuộc các trường mẫu giáo, mầm non được khử trùng bằng CloraminB, 100% số hộ có trẻ dưới 6 tuổi trên địa bàn được cấp CloraminB đồng thời được hướng dẫn khử trùng tại nhà và tiếp tục duy trì, lau dọn, khử trùng thường xuyên bằng các dung dịch thông thường khác.

*Theo thống kê của Sở Y tế Khánh Hòa, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.332 ca bệnh. Hiện bệnh chưa có dấu hiệu giảm mà đang có xu hướng gia tăng. Tỉnh Khánh Hòa đã chi gần 3 tỉ đồng cho công tác phòng chống bệnh TCM.

* Sở Y tế tỉnh Quảng Nam đã thành lập các đoàn điều tra dịch bệnh TCM để lấy mẫu, tiến hành xử lý môi trường bằng dung dịch Chloramin B tại nhà bệnh nhi tử vong và 2 trường mẫu giáo ở xã Điện Nam Bắc, huyện Điện Bàn, cũng như đã cấp 665 kg Chloramin B cho các trung tâm y tế, xã, phường.

Nhóm phóng viên

0 nhận xét

Đăng nhận xét