Thứ Hai, 10 tháng 10, 2011

Tay chân miệng lan rộng, địa phương chần chừ chưa công bố dịch

Tại nhiều địa phương trên cả nước, số ca mắc tay chân miệng đã tăng vọt một cách bất thường so với mọi năm, song chưa một tỉnh nào quyết định công bố dịch. Lý do là "dịch vẫn còn nằm trong tầm kiểm soát của địa phương”.

Dịch tay chân miệng bắt đầu gia tăng mạnh từ cuối tháng 5 với 850 ca mắc một tuần, sau đó đạt đỉnh vào đầu tháng 7 với số ca trong một tuần tăng gần 3 lần. Đến đầu tháng 8 thì dịch đã lan ra 49 địa phương, với hơn 29.000 ca, 79 trẻ tử vong. Trong khi 2 năm trước đó, mỗi năm cả nước chỉ ghi nhận hơn 10.000 trẻ bị tay chân miệng. Khi đó, nhiều người đã đặt ra câu hỏi liệu đã đến lúc ngành y tế công bố dịch.

Tuy nhiên, ngày 20/8 tại cuộc giao ban trực tuyến với 8 địa phương được coi là điểm nóng về bệnh tay chân miệng, thì hầu như tất cả các địa phương đều khẳng định rằng bệnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát, chưa cần thiết phải công bố dịch.

Ti cuộc họp khn đó, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế Trnh Quân Hun đã nhn đnh "dch đã được khống chế" vì thế "chưa công bố dch tay chân miệng ở các đa phương".

Đoàn công tác Bộ y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín
Đoàn công tác Bộ y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng ở Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi. Ảnh: Trí Tín

<>Thực tế, theo số liệu thống kê của ngành y tế thì dịch có xu hướng giảm nhưng rất chậm. <>Đến nay đã gần 2 tháng, số mắc tay chân miệng vẫn chưa được cải thiện nhiều. Dịch hiện đã lan ra 61/63 tỉnh, thành trên cả nước. Trong khi đó, theo dự báo của Bộ Y tế, dịch bệnh tay chân miệng ở nước ta sẽ tiếp tục tăng cao từ tháng 9 đến 11.

Nếu so với một số nước trong khu vực trong những năm qua thì tình hình dịch ở nước ta hiện cũng ở mức đáng lo ngại. Năm 2008, từng xảy ra dịch bệnh tay chân miệng ở Singapore nhưng cũng chi có hơn 15.000 ca mắc. Cá biệt tại Trung Quốc, năm 2009 có đến hơn 1,1 triệu trẻ mắc tay chân miệng, 353 tử vong. Bình quân hơn 380.000 ca mắc có 117 tử vong, trong khi tại Việt Nam tính đến hết tháng 9 mới có gần 62.000 ca mắc nhưng đã có 114 trẻ tử vong.

Mức độ giảm bệnh rất chậm là do sự thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh cho trẻ của cha mẹ và người chăm sóc trẻ chuyển biến chậm. Sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể trong công tác phòng chống bệnh tại địa phương chưa được tích cực, còn giao phó chủ yếu cho ngành y tế.

Với những lý do trên, một lần nữa vấn đề công bố dịch lại được đặt ra.

Đại diện Cục y tế dự phòng (Bộ Y tế), tiến sĩ Nguyễn Văn Bình cũng cho biết, việc công bố dịch không thuộc phạm vi và trách nhiệm của Bộ Y tế. Căn cứ vào Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm và Quyết định 64 của Thủ tướng, việc công bố dịch bệnh tay chân miệng thuộc thẩm quyền của địa phương.

Ngày 18/8, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nắm chắc tình hình dịch bệnh trên địa bàn, để thực hiện việc công bố dịch, công bố hết dịch bệnh truyền nhiễm đúng thời điểm.

Mới đây Viện Pasteur Nha Trang đã đề nghị Quảng Ngãi công bố dịch vì có đủ điều kiện để công bố dịch, với 6.000 bệnh nhân, chiếm 2/3 số ca mắc toàn miền Trung, 5 trẻ tử vong. Tuy nhiên lãnh đạo ngành y tế tỉnh vẫn khẳng định chưa cần.

Thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Tấn Đức, Phó giám đốc Sở Y tế Quảng Ngãi khẳng định, bệnh tay chân miệng còn trong khả năng kiểm soát của ngành y tế tỉnh. Bệnh cũng chưa được Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, lại xảy ra trong thời điểm không có thiên tai, thảm họa. Vì vậy Sở Y tế chưa tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch.

Các lối đi tại cầu thang máy vào khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đều được cách ly nghiêm ngặt nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh tay chân miệng. Ảnh: Trí Tín
Các lối đi tại cầu thang máy vào khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi đều được cách ly nghiêm ngặt nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh tay chân miệng. Ảnh: Trí Tín

Trong khi đó, tại Khánh Hòa, bệnh tay chân miệng cũng đang gia tăng từng ngày. Bác sỹ Lê Trung Hải, cán bộ Phòng Nghiệp vụ y tế, Sở Y Tế Khánh Hòa cho biết: " Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.332 ca bệnh tay chân miệng, bệnh đang có xu hướng gia tăng, chưa có dấu hiệu dừng lại. Tỉnh Khánh Hòa đã chi gần 3 tỉ đồng cho công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng".

Tuy nhiên ông Bùi Xuân Minh, Phó giám đốc Sở Y tế Khánh Hòa thì cho rằng, bệnh tay chân miệng vẫn còn nằm trong vùng kiểm soát và bệnh có xu hướng giảm nên không nhất thiết phải công bố dịch.

Tương tự, lãnh đạo Sở y tế các tỉnh: Bình Định, Quảng Nam và Đà Nẵng, 3 điểm nóng về tay chân miệng cũng đều khẳng định chưa công bố dịch tay chân miệng lúc này.

Về vấn đề này, Tiến sĩ Viên Quang Mai, Phó Viện Trưởng Viện Pasteur Nha Trang nhận định: "Hiện bệnh tay chân miệng tại Quảng Ngãi đã ở mức độ nặng, 14/14 huyện, thành phố có ca bệnh. Những tỉnh khác có thể công bố dịch theo huyện, theo xã".

Theo Tiến sĩ Mai, công bố dịch bệnh tay chân miệng tuỳ phạm vi, mức độ, cấp độ xử lý ở từng địa phương, chứ không phải tất cả. Nếu tố vượt tầm kiểm soát của từng địa phương thì phải do lãnh đạo chính quyền quyết định. Tuy nhiên, các địa phương rất khó và không dám nói là dịch vượt tầm kiểm soát của mình. Họ ngại vì nhiều lý do khác nhau". Quan trọng nhất là ngay lúc bắt đầu nghi có dịch, các địa phương cần quy chế đặc biệt để giám sát, khoanh vùng khống chế ngay từ đầu từ công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng cũng như một số bệnh truyền nhiễm khác sẽ đạt hiệu quả cao hơn nhiều.

Theo phó giáo sư Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương thì việc công bố dịch không phải vấn đề, quan trọng là chống dịch như thế nào. Vấn đề là làm thế nào để huy động toàn xã hội cắt đứt đường lây truyền của bệnh. Thực tế trong thời gian qua, UBND các cấp và ngành y tế đã rất cố gắng nhưng cần phải tập trung tăng cường hơn nữa, truyền thông với những thông điệp cụ thể hơn. Chỉ có sự tham gia chủ động của mỗi bà mẹ và người chăm sóc trẻ cùng cộng đồng, chúng ta mới có thể ngăn chặn được lây truyền dịch.

Theo Quyết định 64 của Thủ tướng, công bố dịch truyền nhiễm chỉ được thực hiện khi hội đủ hai điều kiện. Một là số người mắc bệnh truyền nhiễm vượt quá số bệnh nhân dự tính bình thường của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên. Hai là có ít nhất một trong các yếu tố nguy cơ sau: quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong cao mà chưa xác định rõ tác nhân gây bệnh, chưa có biện pháp khống chế hiệu quả; dịch bệnh xảy ra khi có thiên tai, thảm họa.

Xét theo điều kiện này thì hiện nhiều địa phương đã thoả mãn điều kiện 1. Điều đó đồng nghĩa với việc nếu công bố dịch thì địa phương đó thừa nhận không thể kiểm soát được bệnh tay chân miệng. Cũng vì thế mà chưa có địa phương nào công bố dịch tay chân miệng.

Giáo sư Phạm Song, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng thừa nhận: "Tôi không hiểu vì sao khi đó (giao ban trực tuyến hôm 20/8) Bộ Y tế lại đồng thuận với các địa phương không công bố dịch. Việt Nam số chết nhiều như thế vì sao vẫn không công bố dịch. Chúng ta có luật nhưng luật không bao trùm cuộc sống, thực tế".

Trong một không gian nhất định, một vùng dân cư khi số mắc tăng vọt so với bình thường trong một thời gian nhất định thì gọi là dịch. Nếu chiếu theo định nghĩa này thì rõ ràng là dịch tay chân miệng đã xảy ra tại một số tỉnh, thành.

"Theo lập luận của lãnh đạo Bộ Y tế, tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm nhóm B, do địa phương quyết định. Vậy tại sao những tỉnh, thành như TP HCM đáng lẽ phải công bố dịch từ cách đây gần 2 tháng lại không làm", giáo sư Phạm Song nhấn mạnh.

Cũng theo ông, tuyên bố dịch không có hại gì, như dịch tiêu chảy cấp có phảy khuẩn tả thì sợ danh tiếng đến thế kỷ 21 rồi mà vẫn có người bị tả, trong khi nhiều nước trên thế giới đã thanh toán dịch này từ thế kỷ 20. Hay như việc công bố dịch SARS thì sợ ảnh đến du lịch, kinh tế… Tay chân miệng là bệnh của trẻ con, công bố dịch chỉ có lợi, nhân dân cảnh giác hơn, hiểu biết bệnh hơn.

Bệnh tay chân miệng lây qua đường tiếp xúc, chất nhày trong họng, mũi, trong đó đặc biệt quan trọng là từ phân, thậm chí ngay cả khi trẻ khỏi rồi virus vẫn tồn trại trong phân đến 3 tuần.

Theo thống kê của Bộ y tế, hiện cả nước đã ghi nhận gần 66.400 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, trong đó có 119 ca tử vong tại 25 tỉnh, thành phố. Để phòng bệnh hiệu quả, Bộ Y tế tiếp tục đưa ra khuyến cáo tăng cường các biện pháp vệ sinh, đặc biệt là việc rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, phát hiện và cách ly sớm các ca bệnh…

Trí Tín - Nam Phương

0 nhận xét

Đăng nhận xét