Thứ Ba, 20 tháng 9, 2011

Cai bia rượu khó hay dễ?

Anh V. đã ba lần vào bệnh viện chữa loạn thần do rượu mà vẫn chưa cai nổi: "Tôi đã 5 lần hứa với các bác sĩ và gia đình là bỏ rượu, nhưng vẫn chưa làm được”.

Theo tiến sĩ Lê Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, 80% bệnh nhân viêm gan không có biểu hiện bất thường bên ngoài, vì vậy các “đệ tử Lưu Linh” thường chủ quan, mất cảnh giác với bệnh tật.

Gan là mồi, rượu là thuốc độc

Bác sĩ Hùng cho hay, bia, rượu sẽ làm rối loạn chuyển hóa tế bào gan dẫn đến tình trạng không bào hóa làm cho gan bị xơ. Tuy nhiên, có nhiều bệnh nhân than phiền rằng, dù biết mình bệnh nhưng khi làm ăn, gặp đối tác mời bia, rượu thì không thể từ chối được. Bác sĩ Hùng khuyến cáo: “Khi nhậu thì bia, rượu là thuốc độc của gan, còn gan chính là mồi nhậu. Những ai phải gặp gỡ, khách khứa nhiều thì nên thường xuyên kiểm tra,  tầm soát chức năng gan trước khi quá muộn”.

Theo các bác sĩ, nếu uống rượu thì chỉ nên uống một ly nhỏ 10 - 20 ml để làm tăng nhịp tim, kích thích tuần hoàn tốt hơn. Loại rượu 40 độ không nên uống quá một xị, bởi chỉ cần có từ 50 mg cồn trong 100ml máu thì con người sẽ có những rối loạn về hành vi, rối loạn tư duy, hoặc rối loạn cảm xúc. Ngoài ra, người uống quá nhiều rượu còn mắc các rối loạn hệ thần kinh thực vật như: run tay, đổ mồ hôi nhiều, nói chuyện lắp bắp, giảm trí nhớ và không đủ năng lực để làm việc. Riêng đối với nam giới, uống rượu thường xuyên và bị nghiện rượu sẽ làm giảm khả năng tình dục trầm trọng. Một điều đáng lưu ý là nếu dùng trúng rượu giả (rượu pha cồn công nghiệp), người uống ít sẽ bị đau đầu, chóng mặt; uống nhiều thì bị ngộ độc, xuất huyết não, vỡ mạch máu và chết.

BS Vũ Đình Vương, BV Tâm thần TP HCM, đang khai thác bệnh sử và khuyến cáo cho bệnh nhân loạn thần do rượu.


Bác sĩ  Phạm Văn Trụ, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần TP HCM, phân tích thêm: “Qua tìm hiểu hiện nay, trên thị trường bia có rất nhiều nguồn cung cấp từ các nhà máy lớn, đến các xưởng sản xuất nhỏ và nhập khẩu. Rượu thì từ nhà máy đến nhập khẩu, hàng giả... Tác hại của rượu, bia rất lớn, khiến người sử dụng rượu nhiều dần dần bị phá hỏng nội tạng, hệ thần kinh, gây xơ vữa mạch, viêm cơ tim, xơ gan do rượu, tiêu hóa, suy dinh dưỡng. Trường hợp cấp tính có thể bị hôn mê co giật, hạ đường huyết, tụt huyết áp dẫn đến tử vong”.

Loại rượu gây ngộ độc nhiều nhất là rượu có nồng độ methanol và ethyl glycol cao, do dân tự nấu, tự pha chế. Hai chất hóa học độc hại này thường dùng trong công nghiệp như chế biến sơn, đánh bóng đồ gỗ,... Các vụ ngộ độc rượu có nồng độ methanol cao thường rơi vào người dân nông thôn do giá rất rẻ.

Khó vượt qua chính mình

Bác sĩ Vũ Đình Vương, Trưởng khoa Nam Bệnh viện Tâm thần TP HCM, cho biết: “Đối với những bệnh nhân loạn thần vì rượu thì việc điều trị tại bệnh viện chỉ khoảng bốn ngày đến hai tuần. Việc ngưng rượu hoàn toàn là điều bắt buộc. Một số trường hợp, bệnh nhân phải điều trị kết hợp với thuốc chống loạn thần”. Tuy nhiên, chứng lệ thuộc rượu không dễ dàng bỏ được.

Bác sĩ Vương chia sẻ: “Hầu hết  bệnh nhân không vượt qua chính mình được. Khi xuất viện một thời gian, họ lại tìm đến rượu”. Như trường hợp của anh Nguyễn Thanh V. (sinh năm 1978, ngụ tại phường, quận 4, TP HCM), đã ba lần vào bệnh viện điều trị loạn thần vì rượu nhưng anh vẫn chưa thể “cai". Anh V. thành thực nói: “Tôi đã 5 lần hứa với các bác sĩ và gia đình là sẽ bỏ rượu, nhưng vẫn chưa làm được”.

Theo các bác sĩ, việc điều trị nghiện rượu mạn tính cho bệnh nhân ngoại trú đòi hỏi nhiều nỗ lực của cá nhân người nghiện rượu. Sự động viên, nâng đỡ, an ủi, tạo việc làm của gia đình và xã hội sẽ tạo điều kiện cho người nghiện rượu vượt qua chính mình, tái hòa nhập cộng đồng.

http://www.tinmoi.vn/cai-bia-ruou-kho-hay-de-09591534.html

0 nhận xét

Đăng nhận xét